Chu Thiên Kiếp – Tập 7 – Chương 2

Chương 2.

Tứ phương loạn thế.

Cơn phong ba xoay chuyển thiên hạ ngày càng tới gần. Phía triều đình Nguỵ Trung Hiền và Tín Vương đã luôn sẵn trong thế đối đầu, nay sau sự việc Thiên Khải đế bị thích sát, chắc chắn sẽ không còn là cuộc đấu ngầm như trước kia nữa. Ngoài xa biên cương phương Bắc, người Mãn Châu cũng sẵn sàng vó ngựa thiết kỵ xâm lấn Trung Nguyên. Giang hồ bấy giờ đâu đâu cũng có tin đồn về chuyện Thiên Khải đế bị thích sát cùng chuyện Tín Vương đối đầu với Nguỵ Trung Hiền. Chính vì chuyện này, một lần nữa các chưởng môn Ngũ Nhạc tụ họp trên Hoa Sơn.

Đại sảnh lớn của Hoa Sơn phái vốn vắng vẻ nay tụ hội bao anh hùng nhân kiệt Ngũ Nhạc. Không chỉ có người của Ngũ Nhạc, chưởng môn của hai đại phái Võ Đang và Thiếu Lâm cũng đã có mặt trên Hoa Sơn. Xôn xao tiếng bàn tán trong đại sảnh :

– Triều đình lúc này tranh đấu quyền lực, đây là cơ hội tốt để lật đổ Nguỵ Trung Hiền.

– Phải rồi, tại hạ có nghe nói Tín Vương mấy năm nay ẩn thân giang hồ, chiêu mộ anh hùng hào kiệt. Có lẽ lần này không chỉ là chuyện của triều đình, nhân sĩ giang hồ cũng không đứng ngoài cuộc.

– Lần này e là Ma giáo sẽ nhân cơ hội đục nước thả câu. Rồi thiên hạ sẽ lại đại loạn.

Tiếng bàn tán tại đại sảnh ngày càng xôn xao thì từ hậu viện bước ra một nam một nữ. Hai người họ không ai khác là người chưởng quản Hoa Sơn lúc này, Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần và phu nhân Ninh Trung Tắc. Đứng giữa đại sảnh, Nhạc Bất Quần cất tiếng nói lớn :

– Đa tạ chư vị đã nhận lời mời của Nhạc mỗ đến Hoa Sơn. Có lẽ mọi người đều biết chuyện đương kim hoàng thượng mới bị thích sát gần đây. Nay mọi tin tức về chuyện này đều bị Nguỵ Trung Hiền trong cung phong toả. Nhạc mỗ e rằng trong việc lần này, Nguỵ tặc có mưu đồ khác. Nay ở đây xin hỏi các vị nghĩ sao về chuyện lần này.

Trong các phái Ngũ Nhạc cả hai phái Hằng Sơn và Thái Sơn đều là các đệ tử tu hành theo Phật gia và Đạo gia. Vậy nên về những chuyện chính biến, hai phái này hầu như không nắm rõ. Lúc này chưởng môn của Hành Sơn là Mạc Đại lên tiếng :

– Nhạc huynh, mạn phép cho Mạc mỗ có vài lời muốn nói.

– Được, mời Mạc huynh. – Nhạc Bất Quần đưa tay nói.

– Vốn xưa nay Nguỵ Trung Hiền không e ngại ai trong chốn triều đình, hoạ có chỉ là Tín Vương điện hạ, hoàng đệ của bệ hạ. Hai người này trong triều như thế nước với lửa, có thể chuyện thích sát lần này là để châm ngòi cho cuộc chiến giữa Tín Vương và Nguỵ tặc. Vậy nên không loại trừ khả năng một trong hai người họ đứng sau âm mưu thích sát.

– Mạc huynh phân tích không sai. Nhạc mỗ cũng nghĩ như vậy. Có điều chúng ta tuy là những nhân sĩ võ lâm không muốn can dự đến chuyện của triều đình, nhưng lần này lại khác. Theo Nhạc mỗ thấy đây là cơ hội tốt để diệt trừ vây cánh của Nguỵ Trung Hiền, hơn nữa nếu chúng ta cứ mãi đứng ngoài để Tín Vương và Nguỵ Trung Hiền tranh đấu quyền lực thì người phải hứng chịu tai ương là thiên hạ bá tánh.

Sau khi nghe ý kiến của phía Ngũ Nhạc, Xung Hư của Võ Đang có mặt ở đó bây giờ mới lên tiếng :

– Mạn phép cho bần đạo hỏi Nhạc chưởng môn. Vậy theo ý Nhạc chưởng môn chúng ta sẽ phò trợ Tín Vương, diệt trừ Nguỵ Trung Hiền?

– Không. Ý Nhạc mỗ không phải vậy! – Nhạc Bất Quần đáp.

Mọi người có mặt tại đó nghe câu trả lời khẳng khái của Nhạc Bất Quần thì bất ngờ. Vốn họ tưởng rằng họ Nhạc mời nhân sĩ võ lâm đến đây để cùng bàn chuyện phò trợ Tín Vương, giành lại vương quyền cho Chu gia. Nhưng khi nghe Nhạc Bất Quần không có ý như vậy, mọi người đều xôn xao. Phương Chứng sau Xung Hư cũng liền hỏi :

– Vậy ý của Nhạc chưởng môn là gì? Liệu có thể cho lão nạp cùng mọi người ở đây được biết.

Chắp tay sau lưng, vẻ mặt của Nhạc Bất Quần trầm lặng hơn hẳn :

– Nhạc mỗ vốn không muốn thực hiện theo con đường này. Nhưng thế cuộc thiên hạ bây giờ thật không có cách nào khác. Nhạc mỗ muốn cùng các vị ở đây dựng cờ khởi nghĩa, với danh nghĩa cần vương để diệt trừ Nguỵ tặc.

– Khởi nghĩa sao? Như vậy chẳng phải mang tiếng tạo phản sao?

– Nhạc chưởng môn hãy suy xét lại, nếu ra mặt chống lại triều đình, chống lại thiên tử là chuyện đại nghịch bất đạo.

Khi Nhạc Bất Quần nói đến chuyện dựng cờ khởi nghĩa, nhân sĩ có mặt đều hoang mang. Đến chính phu nhân của y là Ninh Trung Tắc cũng không ngờ phu quân của bà lại có những suy tính đó. Nhạc Bất Quần vẫn đứng đó, ở giữa đại sảnh hứng hết những lời bàn tán. Im lặng một hồi, Nhạc Bất Quần mới lên tiếng :

– Chư vị xin hãy nghe Nhạc mỗ nói. Nhạc mỗ có nói là khởi nghĩa với danh nghĩa cần vương, chứ không phải tạo phản. Lá cờ của nghĩa quân vẫn mang theo danh nghĩa của Chu gia Thiên tử. Nhạc mỗ làm vậy chính là để ổn định nhân tâm chứ không phải có ý tạo phản. Như Mạc chưởng môn trước đấy có nói, việc thích sát hoàng thượng có khả năng do Nguỵ tặc gây ra, nhưng cũng khả năng là do Tín Vương dàn xếp. Chúng ta không thể ủng hộ hai người này, chỉ có thể lấy danh nghĩa cần vương để diệt trừ Nguỵ Trung Hiền. Sau khi dẹp bỏ được vây cánh Nguỵ Trung Hiền, ngai vàng vẫn là của Thiên Khải bệ hạ. Hơn thế nữa làm vậy cũng tránh được việc Tín Vương thừa thắng tiếm ngôi. Nếu suy xét kỹ, các vị sẽ thấy con đường của Nhạc mỗ là con đường duy nhất lúc này.

Thấy Nhạc Bất Quần nhận hết lời đàm tiếu sau đó mới giải thích về quyết định của y, nhân sĩ võ lâm dần dần thuận theo. Đúng như hiệu danh của y, Quân Tử Kiếm khi nói ra cũng đều là lời lẽ của bậc quân tử. Lúc này những lời lẽ hướng về Nhạc Bất Quần hoàn toàn thay đổi :

– Quân Tử Kiếm nói không sai. Nếu nhân sĩ võ lâm chúng ta khởi nghĩa với danh nghĩa cần vương sẽ vừa diệt trừ được Nguỵ Trung Hiền, vừa không mang tiếng bất trung.

– Tại hạ ủng hộ Nhạc chưởng môn, nguyện rút kiếm đánh đến Tử Cấm Thành.

Xen vào giữa những lời ca tụng, bỗng cất lên lời nói của Định Dật phái Hằng Sơn :

– Nhạc chưởng môn suy tính như vậy, bần ni không có gì phản đối. Có điều muốn khởi nghĩa, võ lâm cần 1 vị minh chủ. Nay theo các vị nên để ai làm minh chủ, hơn thế nữa kỳ luận kiếm Ngũ Nhạc vẫn chưa kịp để cử hành.

– Vốn như trước đây minh chủ đương nhiên sẽ do Tả chưởng môn phái Tung Sơn đảm nhiệm. Có điều lúc này Tả minh chủ thân lâm trọng thương lại chưa kịp bầu minh chủ Ngũ Nhạc. Nhạc mỗ xét thấy hãy để hai vị Xung Hư và Phương Chứng cùng lãnh đạo võ lâm khởi nghĩa.

– A di đà phật, Nhạc chưởng môn quá đề cao lão nạp rồi. – Phương Chứng nói. – Lão nạp thân tại Phật môn vốn đã ở ngoài nhưng giao tranh thiên hạ. Lão nạp nay có mặt ở đây cũng chỉ để giúp sức tránh cho chúng sanh gặp tai ương. Đâu thể đứng đầu quần hùng khởi nghĩa.

Thấy Phương Chứng nói vậy, Xung Hư cũng cùng một ý :

– Bần đạo cũng mong Nhạc chưởng môn suy xét lại. Hơn nữa Nhạc chưởng môn đỉnh danh Quân Tử Kiếm, con đường khởi nghĩa cũng do chưởng môn đề xướng. Bần đạo thiết nghĩ Quân Tử Kiếm làm minh chủ võ lâm là hợp lý hơn cả.

Sau khi nghe Xung Hư và Phương Chứng nói vậy, nhân sĩ ở đó cũng lên tiếng ủng hộ Nhạc Bất Quần trở thành minh chủ. Im lặng một hồi, rồi Nhạc Bất Quần chắp quyền đưa sang hai bên tả hữu và nói :

– Cảm tạ chư vị đã tin tưởng Nhạc mỗ. Nhạc mỗ tài sức tự biết không bằng ai nhưng cũng quyết không phụ tấm lòng các vị. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, kỳ luận kiếm Ngũ Nhạc diễn ra, Nhạc mỗ sẽ trao lại ngôi minh chủ cho tân nhiệm minh chủ mới của Ngũ Nhạc. Giờ với tư cách minh chủ, Nhạc mỗ quyết định mười lăm tháng này, nghĩa quân sẽ khởi sự tại Hoa Sơn, chúng ta sẽ cùng nghĩa quân phò tá Chu gia, diệt Nguỵ tặc.

– Phò tá Chu gia, diệt Nguỵ tặc! – nhân sĩ trong đại sảnh lúc đó đồng thanh hô to không ngớt.

Mọi việc lúc này đều đã được quyết định, mọi ý kiến đều ủng hộ Nhạc Bất Quần từ việc khởi nghĩa đến việc y lên làm minh chủ. Sau đó Nhạc Bất Quần cho đệ tử sắp xếp để nhân sĩ võ lâm nghỉ lại tại Hoa Sơn. Xong xuôi mọi việc, Nhạc Bất Quần lui vào hậu viện, từ phía trong bóng tối, thoáng ẩn hiện bóng của một hắc y nhân. Vang ra từ phía hắc y nhân tiếng vỗ tay xã giao :

– Quân Tử Kiếm quả không hổ danh. Giờ mọi chuyện đều đi theo đúng kế hoạch của chúng ta. Bước tiếp theo phụ thuộc vào thái độ của nghĩa quân trong tay ngài đó. Nhưng có một điều ta vốn không hiểu, tại sao ngài không chờ xong luận kiếm Ngũ Nhạc rồi mới khởi sự?

Hắc y nhân nói nhưng vẫn đứng đó, y không rời bước khỏi nơi bóng tối ẩn thân của y. Nhạc Bất Quần cũng không đến gần với người này, nhâm nhi tách trà trên tay, Nhạc Bất Quần đáp lời :

– Màn kịch vẫn còn ở phía trước. Ngũ Nhạc luận kiếm chỉ là để Nhạc mỗ xem xem trong Ngũ Nhạc có những ai mang tham vọng minh chủ thôi, cũng là để chứng thực thương thế của Tả Lãnh Thiền. Giờ bọn chúng vốn không tham vọng, Nhạc mỗ có được chức minh chủ cũng không tốn một giọt mồ hôi. Cái bây giờ Nhạc mỗ quan tâm là Nguỵ Trung Hiền có đoạt được Binh Phù Hổ Ấn không.

– Chuyện đó ta đã có sắp xếp. – hắc y nhân kia nói. – Lúc này Tín Vương có lẽ đã về đến kinh thành, hổ ấn của hắn nhất định phải đoạt được. Nếu không nghĩa quân mà ngài vừa tạo dựng lên chính là mối hoạ. Phải rồi, còn người đó, ngài sắp xếp đến đâu rồi?

– Ngươi cứ yên tâm, mọi chuyện Nhạc mỗ đã suy tính ổn thoả. Nhạc mỗ nằm gai nếm mật cũng chỉ chờ người đó. Ta và ngươi sẽ cùng diễn lại vở kịch cũ của Nguỵ Trung Hiền cho y xem.

Nói rồi cả Nhạc Bất Quần và hắc y nhân kia đều cười lớn, trong tiếng cười chứa đựng biết bao toan tính. Cái được gọi nghĩa quân do Nhạc Bất Quần tạo dựng lên rốt cuộc nhằm mục đích gì, có lẽ câu trả lời nằm ở Tử Cấm Thành đỉnh cao quyền lực.

Tại Tử Cấm Thành, khi mọi thế lực từ hoàng thất, giang hồ đến cả ngoại bang đều hướng đến Nguỵ Trung Hiền thì họ Nguỵ xem ra vẫn ung dung trong cung cấm. Càn Thanh cung vốn là nơi ở của hoàng đế, là nơi thường được giới nghiêm bởi lực lượng cẩm y vệ. Nhưng nay bao quanh Càn Thanh cung đều là cao thủ Đông Xưởng. Phía trong thư phòng của hoàng thượng vốn là nơi hoàng thượng bàn chính sự với triều thần sau khi thiết triều. Lúc này thay vào đó thư phòng chỉ toàn thái giám và cung nữ, chính diện thư phòng, ung dung ngồi trên long kỷ không ai khác là Nguỵ Trung Hiền. Kế bên họ Nguỵ là Hứa Hiển Đồn. Nguỵ Trung Hiền mắt lim dim ngước về phía Hứa Hiển Đồn, nói :

– Hiển Đồn, Tín Vương về đến đâu rồi?

– Bẩm nghĩa phụ, mật thám Đông Xưởng cho biết thân tín của hắn là Hắc Phong Tử đã về đến Tử Cấm Thành, nay đang ở phủ Tín Vương. Còn Tín Vương có lẽ cũng nội trong hôm nay sẽ về đến nơi.

– Tốt lắm! Còn chuyện giới nghiêm hoàng cung? – họ Nguỵ lại hỏi.

– Hài nhi đã gia tăng thêm 5000 lính cẩm y vệ bên ngoài hoàng cung. Bên trong có hơn 1000 cao thủ Đông Xưởng, chắc chắn thủ hạ của Tín Vương không thể vào được hoàng cung.

– Chưa được! – Nguỵ Trung Hiền hằn giọng, rồi y vươn người dậy. – Tăng thêm 3000 nhân mã cả bên trong lẫn bên ngoài hoàng cung cho bổn cung. Huy động hết tất cả cao thủ giới nghiêm cung cấm, bổn cung lần này quyết ăn thua đủ với Tín Vương. Còn phía bên hoàng thượng, chuyện thích sát không kinh động đến hoàng thượng chứ?

– Hoàng thượng nay đã được đưa đến Khôn Ninh Cung cùng với hoàng hậu, tạm thời do Khách nhũ mẫu và Thôi Trình Tú giám sát. Sau sự việc hành thích hoàng thượng lo sợ nên cũng không hề phản đối chuyện giới nghiêm hoàng cung.

Đến lúc này Nguỵ Trung Hiền mới đứng dậy khỏi long kỷ, y vươn vai như khởi động cơ thể đã trì trệ. Tiếp tục nói chuyện với Hứa Hiển Đồn :

– Ngươi vốn thông minh, ngươi nghĩ sao về chuyện hành thích vừa rồi?

Rời khỏi chỗ đứng ban đầu, Hứa Hiển Đồn phẩy tay ra hiệu cho đám cung nữ và thái giám lui xuống. Sau đó họ Hứa mới thưa lại :

– Chuyện này hài nhi đã cho người đi điều tra. Thoạt đầu có những manh mối liên quan đến Thiết Cơ Bảo. Nhưng hài nhi nghĩ không chỉ đơn giản do Thiết Cơ Bảo đơn phương lên kế hoạch thích sát, có lẽ phía sau vẫn còn bàn tay kẻ khác.

Nghe qua đối thoại của hai kẻ Nguỵ, Hứa thì xem ra kế hoạch hành thích Thiên Khải đế không do Đông Xưởng gây ra. Đến chính Đông Xưởng cũng đang điều tra về bàn tay bí ẩn lên kế hoạch thích sát Thiên Khải đế. Nghe những lời Hứa Hiển Đồn nói, Nguỵ Trung Hiền cảm thấy khó hiểu :

– Thiết Vân Phong, lão già này xưa nay vẫn muốn đối đầu với bổn cung. Bằng hữu của hắn là Lệnh Hồ Kiến Nam đã mất mạng dưới tay ta, có lẽ Thiết Vân Phong không bỏ qua chuyện này. Hoàng thượng là con cờ tốt nhất trong tay bổn cung, nhưng bổn cung không tin Thiết Vân Phong chỉ vì muốn đối đầu với bổn cung mà ra tay với hoàng thượng. Có thể có kẻ nào đó mượn tay Thiết Cơ Bảo hoặc giả danh để đánh lạc hướng bổn cung.

– Về chuyện này hài nhi sẽ tiếp tục cho điều tra. – Hứa Hiển Đồn nói.

– Được rồi. Dù bàn tay kẻ nào sau vụ thích sát này thì cũng tạo cơ hội không thể tốt hơn cho bổn cung. Tuy bổn cung tay nắm Ngọc Tỷ Long Ấn, nhưng Binh Phù Hổ Ấn vẫn nằm trong tay Tín Vương. Ngày nào binh quyền còn trong tay hắn, bổn cung ăn ngủ không yên. Tín Vương cũng muốn dùng binh quyền gây áp lực cho bổn cung thì lần này ta cho hắn dùng. Tiếp tục giới nghiêm hoàng cung gây áp lực ngược lại cho hắn, nếu hắn dám điều binh thì kịch hay sẽ chờ hắn ở phía trước. Còn nữa, lúc này chính là những giờ phút quyết định, cũng chính là lúc Tử Thần Chiến của ngươi được sử dụng. Hiện tại chúng ta vẫn không có tin tức của “thứ đó”, nhưng trong lúc này nếu “thứ đó” thật sự có thể gây nguy hại cho chúng ta, nó sẽ lộ diện. Nếu nó lộ diện, ta giao cho ngươi dùng Tử Thần Chiến giải quyết, tuyệt không được để lại dấu vết.

Đúng lúc này một tên cao thủ của Đông Xưởng liền từ ngoài báo vào bên trong :

– Bẩm Thiên Tuế Gia, các vị đại thần lại đến ngoài cung, lần này có cả Tín Vương dẫn theo đám người đó. Xin Thiên Tuế Gia ban lệnh.

Nghe được tin này, Nguỵ Trung Hiền cười lớn :

– Tín Vương cuối cùng cũng đã về! Hay lắm! Bổn cung đang muốn gặp hắn. Hiển Đồn, ngươi điều động nhân mã cùng bổn cung ra gặp Tín Vương.

Nói rồi Nguỵ Trung Hiền khoác chiếc áo choàng lên và cùng Hứa Hiển Đồn ra cổng hoàng cung gặp Chu Tín. Hướng ra phía ngoài lúc này Chu Tín đang cùng các vị đại thân đứng chờ, vẻ mặt của họ ai nấy đều căng thẳng. Đứng bên cạnh Chu Tín lúc này có là Hắc Phong Tử, ngoài ra còn một viên đại thần thân tín – Viên Sùng Hoán. Viên Sùng Hoán vốn là quan Ngự Sử Hầu đương triều, Viên Sùng Hoán sớm nhìn ra được dã tâm của Nguỵ Trung Hiền nên từ lâu đã cùng Chu Tín và phái Đông Lâm trong triều chống lại Đông Xưởng. Có thể nói trong triều đình, người Nguỵ Trung Hiền phải e dè sau Tín Vương chính là Viên Sùng Hoán. Lúc này Chu Tín hỏi chuyện Viên Sùng Hoán :

– Viên đại nhân, đại nhân nghĩ sao về chuyện này? Bổn vương nghi ngờ rằng Nguỵ Trung Hiền đã dàn xếp chuyện hành thích, sau đó muốn gây ra chính biến.

– Bẩm Tín Vương điện hạ, theo ngu ý của hạ thần thì việc này chưa thể khẳng định. – Viên Sùng Hoán đáp. – Vốn hoàng thượng luôn tin cậy họ Nguỵ, y sẽ không dại dột khiến hoàng thượng bị tổn hại. Hơn thế nữa với Ngọc Tỷ Long Ấn trong tay, y cũng có thể gây chính biến không đến vở kịch hành thích. Hạ thần e rằng mục đích của họ Nguỵ chưa chắc đã là gây chính biến để uy hiếp hoàng thượng.

– Dù mục đích gì bổn vương quyết không tha cho tên hoạn quan đó. Giờ hắn đã dùng nhân mã Đông Xưởng giới nghiêm hoàng cung há chẳng phải thách thức Chu gia Thiên tử. Bổn vương quyết bắt hắn có câu trả lời cho việc này.

Đang nói đến đây thì Chu Tín nghe thấy tiếng quan viên xì xào, quay lại nhìn thì Chu Tín thấy bóng của Nguỵ Trung Hiền từ trong cung đi ra. Phía sau Nguỵ Trung Hiền còn có Hứa Hiển Đồn cùng vô số cao thủ Đông Xưởng. Chu Tín không chờ thêm một giây nào, y liền bước tới đối diện với Nguỵ Trung Hiền. Dáng vẻ Chu Tín bước tới uy nghi đầy quyền lực, lúc này đương triều trước mặt họ Nguỵ chỉ có y mới có thể mang dáng vẻ như vậy. Nguỵ Trung Hiền tuy bên trong suy nghĩ xem thường hoàng thất, nhưng trước bao con mắt thiên hạ, họ Nguỵ cũng không dám lộng hành :

– Lão thần Nguỵ Trung Hiền tham kiến Tín Vương điện hạ. Điện hạ thiên tuế! – họ Nguỵ hành lễ.

Chu Tín cố dồn nén bực tức trong lòng, vẫn theo nghi lễ thông thường, y đưa tay tới nói :

– Nguỵ đại nhân, mau bình thân.

– Tạ ơn điện hạ.

Lúc này đối mặt với Nguỵ Trung Hiền không còn là một Tín Vương Chu Do Kiểm nóng nảy khi trước, không còn chút bốc đồng. Giờ đây đó đã là một Tín Vương quyền uy hơn người, bản lĩnh có thể cùng triều thần đối lập với Đông Xưởng. Vẫn giữ thái độ bình thản, Chu Tín nói :

– Chẳng hay Nguỵ đại nhân có thể cho bổn vương biết tình hình của bệ hạ. Sau chuyện hoàng huynh bị thích khách hành thích, không chỉ bổn vương mà cả các vị đại nhân đều mong tin tức của vạn tuế gia.

– Bẩm điện hạ, lúc này hạ thần không thể nói được gì. Một phần đây là thánh chỉ của hoàng thượng, hơn nữa lúc này các thái y chăm sóc bên cạnh hoàng thượng cũng chưa thể đưa ra kết luận về sức khoẻ của người. Mong Tín Vương điện hạ thứ lỗi.

– Có thật thánh chỉ của hoàng huynh không cho Nguỵ đại nhân tiết lộ? – Chu Tín hằn giọng. – Hay lại là một đạo thánh chỉ của Nguỵ đại nhân giúp hoàng thượng hạ xuống? Bổn vương biết chuyện này với đại nhân không hề khó.

Khom lưng xuống, tay Nguỵ Trung Hiền vẫn chắp quyền rồi thưa :

– Thần không dám! Mong Tín Vương minh xét.

– Bổn vương biết, Nguỵ đại nhân vốn am hiểu chuyện này, đương nhiên không dám. Vậy còn chuyện giới nghiêm hoàng cung? Lẽ nào cũng là thánh chỉ của hoàng huynh ta?

– Tín Vương quả là anh minh! – họ Nguỵ đáp.

Khi Nguỵ Trung Hiền nói câu này, ánh mắt Chu Tín như sáng lên, y mỉm cười rồi chắp tay bước vòng ra sau Nguỵ Trung Hiền :

– Vậy thì thật là tốt. Trước khi trở về kinh thành, bổn vương vốn lo sợ vì chuyện hành thích khiến hoàng huynh tổn hại long thể. Nhưng vạn tuế gia thần võ hơn người, nay vẫn có thể anh minh hạ nhiều thánh chỉ như vậy chứng tỏ không có điều gì quá lo ngại. Nếu không phải vấn đề sức khoẻ, Nguỵ đại nhân không ngại để bổn vương được diện kiến hoàng huynh chứ?

Thì ra mục đích chính của Chu Tín lúc này là được diện kiến Thiên Khải đế. Trên thực tế Nguỵ Trung Hiền cũng đoán được mục đích của Chu Tín, nhưng không ngờ y lại khéo léo khiến Nguỵ Trung Hiền lâm vào thế khó xử, nay muốn từ chối Chu Tín nhập cung cũng không phải dễ.

– “Tên tiểu tử này quả là thông minh. Đặt ra những câu hỏi mà vốn dĩ lão phu chỉ có một câu trả lời. Rồi từ câu trả lời của ta viện cớ nhập cung. Nếu để Tín Vương nhập cung chẳng phải chuyện ta giới nghiêm suốt bao ngày nay thành công cốc sao? Chưa kể gặp được hoàng thượng hắn cũng có thể hỏi ra những thánh chỉ giả do ta hạ xuống. Nhất định không thể để hắn vào cung!”

Họ Nguỵ xoay người lại rồi vẫn thế khom lưng chắp quyền về hướng Chu Tín :

– Điện hạ thứ lỗi, hạ thần không thể làm theo…

– Chẳng lẽ đây cũng là thánh chỉ của hoàng thượng. – Chu Tín cắt lời. – Nếu ngươi còn mang thánh chỉ của hoàng thượng ra để nói chuyện với bổn vương, đừng trách bổn vương phán ngươi tội khi quân.

– Điện hạ… Chuyện này… – họ Nguỵ không hiểu lời Chu Tín nói.

– Chẳng phải ngươi vừa phạm tội khi quân sao? Ngươi nói hoàng thượng hạ chỉ không để lộ tình hình của người, nhưng ngươi qua lời nói đã cho bổn vương biết tình hình hoàng thượng lúc này hiện vẫn có thể tiếp được các vị đại thần, vẫn có thể hạ chỉ. Nếu không như vậy sao hoàng thượng hạ những đạo thánh chỉ ngươi vừa nói. Còn nếu thực sự long thể hoàng thượng bất an, vậy những đạo thánh chỉ kia có từ đâu? Chẳng lẽ có từ trước khi hoàng thượng bị hành thích, hay do Nguỵ đại nhân đã chuẩn bị từ trước?

Chiếm được thế chủ động trong cuộc tranh luận, Chu Tín không còn giữ vẻ trầm lặng lúc nãy nữa. Y lúc này thực sự phát ra uy quyền của bậc vương tôn hoàng thất, Chu Tín lúc này mới sử dụng vương uy thứ nhất là để gây áp lực cho Nguỵ Trung Hiền. Thứ hai nếu sử dụng vương uy quá sớm, Nguỵ Trung Hiền sẽ càng cẩn trọng mà không để lộ sơ hở vừa rồi. Thực sự có thể thấy, Chu Tín là đối thủ đáng e ngại nhất của Nguỵ Trung Hiền vào lúc này. Đứng phía bên ngoài cuộc đối thoại từ đầu, Viên Sùng Hoán bây giờ mới tiến tới, y nói :

– Lời Tín Vương điện hạ nói không sai. Mong Nguỵ đại nhân có thể mở cửa cung để Tín Vương điện hạ diện thánh.

Bước vào thế khó, nhưng Nguỵ Trung Hiền vẫn không để lộ vẻ lo ngại ra bên ngoài. Bản lĩnh cáo già của họ Nguỵ như tin rằng y sẽ tìm được cách danh chính ngôn thuận để cản bước Chu Tín nhập cung :

– Điện hạ, Viên đại nhân. Hai người có điều không biết. Hoàng thượng hạ chỉ giới nghiêm hoàng cung cốt là để tránh chuyện hành thích lặp lại. Trong thời gian giới nghiêm hoàng cung, Đông Xưởng cũng đã gấp rút điều tra thân phận thích khách, mới đầu có manh mối dẫn đến cho thấy Thiết Cơ Bảo có nhúng tay. Mong các vị kiên nhẫn, sau khi tìm được thủ phạm, lệnh giới nghiêm sẽ được huỷ bỏ.

– Vậy ngươi nghi ngờ bổn vương có mưu đồ thích sát hoàng thượng? Thế nên mới không để bổn vương nhập cung.

Bị Chu Tín dồn ép, lúc này Nguỵ Trung Hiền cũng không nhịn nữa, y liền đáp ngay sau đó :

– Hạ thần nào dám nghi ngờ điện hạ. Đương kim thánh thượng hạ chỉ giới nghiêm vậy người đặt ra sự nghi ngờ chính là hoàng thượng. Còn chuyện tốt xấu trong lòng điện hạ thông hiểu hơn ai hết, nhìn những người xung quanh điện hạ cũng đủ hiểu. Hạ thần không dám nhiều lời.

Nguỵ Trung Hiền vừa dứt lời thì một luồng chưởng phong đánh tới, kèm theo đó là tiếng hét lớn :

– Hỗn xược. Ngươi dám xúc phạm Tín Vương.

Quay lại nhìn thì ra đó là Hắc Phong Tử, sau câu nói của Nguỵ Trung Hiền thì Hắc Phong Tử liền vung chưởng đánh tới. Trong câu nói của Nguỵ Trung Hiền như nhắc đến Hắc Phong Tử và các nhân sĩ võ lâm do Chu Tín chiêu mộ, họ Nguỵ muốn nói hoàng thượng nếu của nghi ngờ Tín Vương thì cũng là do những người này. Do câu nói đó, Hắc Phong Tử đứng sau Chu Tín liền phi thân tới, tay vận Hắc Phong Chưởng công kích Nguỵ Trung Hiền. Vốn biết Hắc Phong Tử là cao thủ đệ nhất bên cạnh Chu Tín, võ công của y khi Lệnh Hồ Xung mới gặp lần đầu cũng không thể lường trước được hết. Nhưng dù là vậy với Nguỵ Trung Hiền chưởng đó của Hắc Phong Tử không thể gây bất ngờ. Họ Nguỵ khoát tay rất nhanh, luồng nội lực lôi quyết từ hữu thủ của y như đã được vận công từ trước. Chớp mắt hai luồng chưởng phong giao đấu, Chu Tín vốn hiểu biết nhiều về võ học nên liền nhận ra :

– Là Vạn Lôi Toái Tinh Chưởng! Hắc Phong Tử, ngươi mau lui lại!

Chu Tín tuy lên tiếng cảnh giác nhưng một điều hiển nhiên đó là với tốc chiêu của cả hai, lời nói của Chu Tín chẳng thể giúp ích được gì Hắc Phong Tử. Song chưởng giao tranh lập tức phát cuồng khí mãnh liệt, Chu Tín đứng giữa hai luồng chưởng lực cảm thấy như ngạt thở, khí áp từ hai cao thủ như dồn nét hết không khí xung quanh. Nhưng rồi cảm giác ngột ngạt của Chu Tín cũng không kéo dài, Vạn Lôi Toái Tinh Chưởng của Nguỵ Trung Hiền quả là uy lực hơn một bậc. Hắc Phong Tử nhanh chóng bị chưởng lực của Nguỵ Trung Hiền đánh ngã về phía sau, y cũng vội vận công điều khí, xem ra một phần chân nguyên đã thương tổn. Viên Sùng Hoán thấy Nguỵ Trung Hiền giao tranh với thủ hạ của Tín Vương thì liền lên tiếng :

– Nguỵ đại nhân, ngươi quả là quá ngông cuồng rồi! Ngươi vô lễ với Tín Vương điện hạ rồi còn đả thương người của điện hạ. Chuyện này ngươi trả lời sao đây?

Nguỵ Trung Hiền từ thế công lại lập tức khom lưng lại, tay chắp quyền :

– Hạ thần nhất thời hành động theo phản xạ. Mong điện hạ trị tội.

– Trị tội ngươi là đương nhiên. – Viên Sùng Hoán nói. – Người đâu…

Ngắt lời của Viên Sùng Hoán, Chu Tín dang tay ngang vai Sùng Hoán như muốn ngăn lại những hành động và lời nói của y. Mắt Chu Tín nhìn Nguỵ Trung Hiền không rời mà thầm nghĩ :

– “Cáo già vẫn là cáo già. Ngươi cố ý xúc phạm bổn vương để đưa bổn vương vào bẫy. Quả thật dù Hắc Phong Tử ban nãy đả thương ngươi thì trách nhiệm chỉ thuộc về Hắc Phong Tử do nhất thời quá khích. Ngươi lần nữa cố ý đả thương Hắc Phong Tử để muốn đích thân bổn vương xử phạt ngươi. Giờ ngươi đang mang trọng trách giới nghiêm hoàng cung, nếu bổn vương xử phạt ngươi há chẳng phải đối đầu với hoàng thượng sao? Cái tiếng đứng sau việc hành thích cũng vì thế càng dễ dàng cho ngươi chụp tội cho bổn vương. Được rồi, lần này ta nhịn ngươi.”

Chu Tín nhanh chóng nhìn thấu những suy tính của Nguỵ Trung Hiền, quả không tầm thường. Nhưng Nguỵ Trung Hiền cũng không hề thua kém, phút chốc cũng đã nghĩ ra cách để ngăn Chu Tín nhập cung. Nếu lúc này Chu Tín vẫn giữ ý muốn nhập cung chắc chắn theo cách cũ Nguỵ Trung Hiền sẽ dùng võ lực để ngăn cản, một lần nữa đắc tội với Tín Vương. Thoáng nhận định có thể đây là thất sách, nhưng nghĩ lại, nếu thực có giao tranh, với trọng trách bảo vệ hoàng cung lúc này của Nguỵ Trung Hiền, dù chưa biết trọng trách đấy có thật hay không thì bất lợi vẫn là Tín Vương.

– Được rồi, Nguỵ đại nhân có lẽ do ngày đêm lo việc cho hoàng thượng mà mệt mỏi, khó có thể trách sai sót trong lời nói. Lúc này cũng đã muộn, vậy để khi khác bổn vương xin được diện thánh sau. Mong Nguỵ đại nhân có thể giúp bổn vương bảo vệ an toàn cho hoàng huynh!

– Đó là trách nhiệm của hạ thần. – Nguỵ Trung Hiền đáp.

Đành tạm lui bước trước Nguỵ Trung Hiền lần này, Chu Tín cùng các vị đại thần lần lượt rời khỏi cửa cung. Nhìn theo bóng Chu Tín rời khỏi, Nguỵ Trung Hiền lẩm nhẩm :

– Thú vị lắm! Mới là màn mở đầu ngươi đã khiến bổn cung cảm thấy thú vị rồi. Nhưng vở diễn này sẽ nhanh chóng kết thúc thôi.

Chu Tín cùng Hắc Phong Tử và Viên Sùng Hoán cùng lên xe ngựa về phủ. Trên xe, Chu Tín hỏi Hắc Phong Tử :

– Vết thương của ngươi thế nào?

– Tạ ơn điện hạ quan tâm. Thuộc hạ chỉ bị nội thương nhẹ.

– Vậy được, ngày mai ngươi lập tức lên đường tìm tung tích Lệnh Hồ Xung, sau đó đưa hắn đến kinh thành. Đối phó với Nguỵ Trung Hiền, bổn vương cần có hắn giúp sức.

Chu Tín vốn biết Nguỵ Trung Hiền là kẻ quỷ kế đa đoan, vậy nên hơn lúc nào hết Chu Tín cần sự trợ lực từ Lệnh Hồ Xung. Bản thân Chu Tín qua những lần tiếp xúc với Lệnh Hồ Xung y cũng đủ hiểu Lệnh Hồ Xung là lựa chọn tốt nhất có thể đối phó với cái đầu cáo già của Nguỵ Trung Hiền. Nhưng lúc này khoan nói đến Chu Tín có thể tìm được Lệnh Hồ Xung không, dù có tìm được thì Lệnh Hồ Xung bây giờ không khác gì phế nhân. Tuy hắn đã hồi tỉnh sau thương thế của Ma công gây ra nhưng nếu không có được nội công của Cửu Dương Thần Công, hắn sẽ không thể khanh phục được. Lúc này Lệnh Hồ Xung vẫn lưu lại Tư Quá Nhai, vừa trị thương, vừa khám phá bí mật của Ngọc Diệp Tiêu. Ngoài thạch động bấy giờ Phong Thanh Dương đang đứng cùng Đông Phương Bạch. Thấy Lệnh Hồ Xung ở lại Tư Quá Nhai đã nhiều ngày, Phong lão tỏ vẻ khó chịu :

– Đông Phương Bất Bại, ngươi nói xem hắn còn ở lại chỗ lão phu bao lâu nữa? Chẳng lẽ cả đời hắn không tìm ra được bí mật của cây ma tiêu thì lão phu phải để hắn ở đây cả đời sao?

– Lão sư phụ không bằng lòng sao? – nàng đáp.

– Đương nhiên lão không bằng lòng. Trước kia thu nhận ngươi là đệ tử vì ngươi là người duy nhất tham thấu được Quỳ Hoa Bảo Điển. Cũng vì vậy lão phu mới giữ ngươi lại Tư Quá Nhai. Nhưng tên tiểu tử đó nhìn sao cũng không bằng được ngươi, hơn nữa lão phu không muốn giữ lại phế nhân ở đây.

Đông Phương Bạch nhìn rõ nét khó chịu của Phong Thanh Dương, nàng cũng vốn biết Phong lão không thích sự xuất hiện của người ngoài, càng chỉ muốn sống ẩn cư tĩnh lặng. Nhưng lúc này Tư Quá Nhai là nơi tốt nhất để Lệnh Hồ Xung dưỡng thương. Nghĩ vậy, nàng quay ra nhìn Phong lão rồi nói :

– Trước kia lão sư phụ vẫn không cam tâm khi ta không chịu học Độc Cô Cửu Kiếm. Lão cũng lo ngại kiếm pháp của lão bị thất truyền. Giờ nếu Lệnh Hồ Xung giúp lão giải quyết mối lo đó, lão thấy giữ lại hắn được chứ?

Đông Phương Bạch vừa nói vậy, Phong Thanh Dương liền vuốt râu cười lớn :

– Độc Cô Cửu Kiếm? Ngươi nói đùa hay sao? Nếu nói Quỳ Hoa Bảo Điển của ngươi là võ công thiên hạ đệ nhất thì Độc Cô Cửu Kiếm cũng có thể nói là kiếm pháp không có cảnh giới giới hạn. Lão phu mất hơn 60 năm để phát triển Độc Cô Cửu Kiếm thành triết lý võ công riêng của lão phu, từ 9 kiếm thức mà không ngừng sáng tạo, mở rộng cảnh giới vô chiêu. Nếu là ngươi may ra sẽ lãnh ngộ được kiếm pháp của lão phu. Còn tiểu tử đó truyền dạy cho hắn khác nào tự huỷ đi kiếm pháp một đời của lão phu.

– Lão sư phụ thật nghĩ vậy sao? Vậy ta sẽ cho lão thấy tài năng võ học của hắn thật sự còn hơn cả ta. – nàng nói khiến Phong lão ngạc nhiên.

Rồi bất ngờ Đông Phương Bạch vận khí tụ ở lòng bàn tay, bao quanh luồng khí của nàng là vô vàn chiếc lá xanh. Đây chính là chiêu thức “Lạc Hoa Diệu Thủ Ấn” trong Quỳ Hoa Bảo Điển. Những chiếc lá theo luồng nội lực của nàng tết lại thành cây diệp tiên dài cả chục thước, Đông Phương Bạch vung diệp tiên cuốn lấy Lệnh Hồ Xung đang nằm dưỡng thương trong thạch động rồi kéo ra ngoài. Bất ngờ bị nàng lôi ra ngoài một cách đầy bạo lực, Lệnh Hồ Xung hốt hoảng :

– Đổng huynh! Huynh định làm gì vậy? Đùa như vậy tại hạ có thể mất mạng đấy!

Thấy Lệnh Hồ Xung bất ngờ bị Đông Phương Bạch trói bằng diệp tiên, Liên nhi cũng vội từ trong thạch động chạy :

– Lệnh Hồ đại ca, huynh sao rồi?

Lúc này với võ công của nàng, Đông Phương Bạch dễ dàng sử dụng diệp tiên nhẹ nhàng đặt Lệnh Hồ Xung ngồi tại cửa thạch động. Một lần nữa nàng vung diệp tiên trói hắn ngồi yên tại chỗ đó, rồi nàng nói :

– Ngươi ngồi yên đấy cho ta! Ta làm vậy cũng chỉ tốt cho ngươi thôi.

Hắn bỗng dưng bị nàng mang ra làm trò đùa, tuy không để bụng hay bực tức nhưng hắn cũng cố ra vẻ khó chịu :

– Huynh luôn như vậy, chỉ biết làm theo ý mình, không biết người khác nghĩ sao. Mà dù huynh không trói thì tại hạ cũng đâu thể tự di chuyển được.

Sau khi trói hắn như vậy, Đông Phương Bạch từ từ đi tới chỗ hắn. Bên cạnh hắn lúc này Liên nhi đang giúp hắn cởi bỏ dây trói. Nàng đến gần hắn, cúi người xuống nói :

– Ban nãy ta và lão sư phụ có chút tranh luận về võ học. Nay chỉ có thể dùng chiêu thức để phân rõ xem ai đúng ai sai. Ta muốn nhờ ngươi ngồi ngoài phân định giúp ta.

– Tại hạ sao? – hắn tự trỏ rồi ngạc nhiên. – Đổng huynh và lão tiền bối đều võ công trác tuyệt, tại hạ chỉ có đôi mắt phàm, đâu dám…

Trước câu nói của hắn, nàng không nói gì mà chỉ nghiêm nghị nhìn hắn. Lệnh Hồ Xung thoáng chốc thấy ánh mắt như vậy thật quen thuộc, hắn bất giác đồng ý :

– Được rồi, tại hạ giúp Đổng huynh!

Rồi Đông Phương Bạch khẽ cười và quay người đi lại tới chỗ Phong Thanh Dương. Nàng nói nhỏ với Phong Thanh Dương :

– Ta và lão sẽ tỉ thí để hắn nói cho lão xem tại sao lão lại thua nhé!

– Ngươi nghĩ lão phu sẽ thua cho ngươi sao? Lần này sẽ không có cơ hội cho ngươi như lần trước đâu.

Nói rồi cả Phong Thanh Dương và nàng đồng thời thoái lui ba bước về phía sau. Phong lão vốn ít khi động thủ, có điều lão cũng hiếu kì vì nhưng gì Đông Phương Bạch nói về Lệnh Hồ Xung, lão thật muốn biết liệu những điều đó có phải là sự thật. Thêm nữa lão cũng muốn cùng đệ tử quá chiêu, để xem suốt thời gian qua võ công của nàng đã tiến bộ đến đâu. Chỉ sau một hơi thở, Phong lão và nàng đồng thời động thủ. Phong lão vẫn theo lối đánh ưa thích của lão, lấy kiếm khí để sử dụng Độc Cô Cửu Kiếm. Cảnh giới vô kiếm vô chiêu của Phong lão Lệnh Hồ Xung lần đầu tiên được mục sở thị, quả thật là thiên hạ vô song khiến Lệnh Hồ Xung quan sát mà như cuốn theo kiếm pháp của lão. Về phía Đông Phương Bạch, nàng sử dụng lá cây ở khắp nơi thay cho phi châm, ngàn vạn chiếc lá xanh bao quanh người nàng tạo thế công thủ vẹn toàn, không hề kém cạnh gì Phong lão.

Vốn dĩ nếu dốc toàn lực giao chiêu, Đông Phương Bạch bây giờ không tiếp được Phong lão quá 30 chiêu. Vết thương của Ma công mà Lệnh Hồ Xung gây cho nàng vẫn chưa bình phục, hơn nữa nàng còn hao tổn chân khí cứu mạng hắn, thành ra bây giờ công lực của nàng mười thành nhưng không còn lại đến bốn thành. Phong Thanh Dương xưa mang hiệu danh Độc Cô Cầu Bại đương nhiên dễ dàng nhận ra điều đó, vậy nên trong lúc giao chiêu cả Phong lão và nàng đều chỉ chú ý chiêu thức, không vận nội lực. Hai người giao chiêu từ chính ngọ cho đến khi tà dương phủ đầy đỉnh núi. Lệnh Hồ Xung say nhìn vào những chiêu thức tuyệt thế của hai cao thủ mà quên cả đi bản thân hắn mang nội thương. Đồng thời được chiêm ngưỡng hai tuyệt thế võ học là Quỳ Hoa Bảo Điển và Độc Cô Cửu Kiếm trên thế gian đâu mấy ai có được diễm phúc. Liên nhi bên cạnh hắn lúc này cũng vô cùng ngạc nhiên về đại tỷ của nàng. Tuy được biết Đông Phương Bất Bại võ công thiên hạ đệ nhất, nhưng khi tận mắt chứng kiến, Liên nhi thậm chí không tin được đó là đại tỷ.

Nhưng rồi trận đấu nào cũng phải có hồi kết, thoát nhìn Phong lão bỗng thấy quanh Đông Phương Bạch có vô vàn diệu ảnh. Trước đây cùng nàng luyện công, Phong lão hoàn toàn không biết đến chiêu thức này. Chỉ trong một phút chốc sơ suất, nhất chỉ của Đông Phương Bạch đã kề sát cổ Phong lão, và cũng như lần trước, nàng vận công cắt một lọm tóc trên mái tóc bạc của lão. Cầm trên tay lọm tóc đó, nàng hướng về phía Lệnh Hồ Xung :

– Lệnh Hồ Xung. Ngươi thấy thế nào?

Ngây người trong giây lát trước chiêu thức vừa rồi của Đông Phương Bạch, rồi hắn nhanh chóng trấn tĩnh. Hắn vỗ tay và nói :

– Hảo công phu. Quả là hảo công phu. Võ công của cả hai người đúng là tuyệt thế, đương kim thiên hạ khó có thể tìm được người thứ 3 có được võ công như vậy.

Phong Thanh Dương lúc này liền bước tới, lão vuốt râu nói :

– Tiểu tử ngươi thật có mồm mép nịnh hót. Lão phu tuy ẩn cư nơi đây nhưng vốn biết thiên hạ bây giờ cao thủ không ít. Nhìn ra Tử Cấm Thành gã họ Nguỵ suốt 20 năm thiên hạ vô địch thủ, võ công của y không thua kém lão phu. Trước đây Côn Luân Tam Thánh, võ công đạt đến cảnh giới mà con người tưởng chừng không thể lãnh ngộ. Lão phu chưa có cơ duyên giao chiêu, nếu thực sự giao chiêu có lẽ hiệu danh Độc Cô Cầu Bại đã mất từ đó. Và cả Nguyên Hạnh Thiền Sư, trước giờ võ công của ông ta có thể được coi là bí ẩn của võ lâm.

– Lão tiền bối nói không sai, những người đó võ công thực sự vô cùng lợi hại. – hắn đáp. – Nhưng nếu nói đến võ công không phải chỉ nhắc đến sự lợi hại chiêu thức người đó sử dụng. Võ công bao gồm ba yếu tố tâm, trí, dũng. Nhắc đến chữ “dũng”, thiên hạ theo đuổi võ công cũng chỉ vì chữ “dũng”, chỉ để được gọi là thiên hạ đệ nhất. Nguỵ Trung Hiền cũng chỉ có thể đạt đến chữ “dũng”, nếu vậy không cần bàn đến y, và cũng vì vậy chữ “dũng” được nhắc đến sau cùng. Nói tiếp đến chữ “trí”, có “dũng” mà không có “trí” thì võ công dù là tuyệt thế vào tay kẻ đó cũng chỉ bó hẹp trong những khuôn mẫu sẵn có. Nguyên Hạnh Thiền Sư và Côn Luân Tam Thánh là những bậc cao nhân dụng “trí” trong võ, vậy nên thành quả của họ thật không thể tưởng tượng. Nhưng họ phần nào còn chưa đủ chữ “tâm”, Côn Luân Tam Thánh nếu thực sự có “tâm” thì sao họ không nhìn ra con người của Nguỵ Trung Hiền, truyền tài học cho y để y gây nguy hại thiên hạ. Nguyên Hạnh Thiền Sư cũng vậy, nếu chữ “tâm” của ông ấy đủ lớn thì với tài năng của ông, giang hồ chưa chắc phải chịu cảnh lầm than như bây giờ. Còn như lão tiền bối và Đổng huynh, chữ “tâm” của hai người hiện rõ ở từng chiêu thức, hơn thế nữa hai người hơn những người kia là vì hai người vẫn còn thời gian để hoàn thiện chữ “tâm” của mình. Vậy chẳng phải đúng như tại hạ nói, không tìm được người thứ 3 để sánh kịp với hai người sao?

Nghe Lệnh Hồ Xung nói, Phong lão cất tiếng cười lớn, rồi lão hỏi :

– Tiểu tử, từ đâu ngươi biết được những điều này? Tâm, trí, dũng trong võ học, ngươi nói giống hệt như một vị bằng hữu của lão phu trước đây.

Người Phong Thanh Dương nhắc tới không ai khác chính là Nguyên Hạnh Thiền Sư, có lẽ trước đây trong thời gian thiền sư dưỡng thương tại Tư Quá Nhai đã từng trao đổi võ học cùng Phong lão. Lệnh Hồ Xung vẫn kính cẩn chắp tay đáp :

– Không dám giấu lão tiền bối. Trước giờ vãn bối chưa từng có suy nghĩ đó. Những lời đó cũng là suy nghĩ mà vãn bối có được khi nhìn tiền bối và Đổng huynh giao chiêu. Có điều nữa vãn bối muốn nói… – hắn ngập ngừng.

– Còn điều gì nữa? – Phong lão nóng ruột.

– Còn một chữ nữa mà vì chữ này, lão tiền bối mới thua Đổng huynh. Đó là chữ “vọng”, con người khó tránh khỏi những vọng tưởng, nhưng nhờ vọng tưởng con người mới cố gắng vươn lên một tầm vóc mới. Lão tiền bối là ngoại thế tiền nhân, vốn đã gạt bỏ được chữ “vọng” đó, nhưng chính vì vậy võ công của tiền bối phần nào bị hạn chế. Còn Đổng huynh vọng khí cao ngất, không ngừng nâng tầm của bản thân. Vậy nên…

– Thiên Lang, đây chính là tài năng của Thiên Lang! – Phong lão cười lớn. – Thiên Lang của ngươi thậm chí vượt qua cả Nguyên Hạnh Thiền Sư, ông ta cũng chỉ nhìn được đến chữ “tâm”, còn ngươi nhìn được chữ “vọng”. Hay lắm, lão phu sẽ cho ngươi biết bí mật của Ngọc Diệp Tiêu.

Câu nói cuối cùng của Phong Thanh Dương trong khoảng khắc như khiến tim của hắn, nàng và Liên nhi ngừng đập. Cả ba cùng đồng thanh :

– Bí mật của Ngọc Diệp Tiêu?

– Phải, năm xưa Nguyên Hạnh Thiền Sư đã để lại bí mật này cho lão phu cùng một lời tiên tri, “Tại Tư Quá Nhai lão phu sẽ gặp được tài năng Thiên Lang vượt qua cả Nguyên Hạnh Thiền Sư.” Ông ta cũng nói nếu lời tiên tri không đúng, lão phu tuyệt đối không để lộ bí mật của Ngọc Diệp Tiêu, bí mật chỉ được khai mở khi có được tài năng của Thiên Lang. Lão phu ẩn cư nơi đây cũng một phần vì lời tiên tri đó, không ngờ hôm nay lời tiên tri của ông ta lại thành sự thật. Hôm nay lão phu khẳng định ngươi thực sự có tài năng của Thiên Lang, vậy nên sẽ nói cho ngươi biết bí mật của Ngọc Diệp Tiêu.

Nói rồi Phong lão trở lại vào trong thạch động, lão lấy Ngọc Diệp Tiêu để trong tay nải của Lệnh Hồ Xung rồi bước ra đến gần cửa thạch động. Lão đặt hướng cây tiêu hướng ra ngoài cửa hang, lập tức ánh tịch dương từ bên ngoài hắt vào chiếu qua ống tiêu, nhìn sang bên tường đá đối diện, những dòng chữ mờ mờ dần hiện ra. Nhìn thấy cảnh tượng này, Lệnh Hồ Xung lập tức hiểu ra :

– Hoá ra là vậy. Thì ra đúng là bí mật của Ngọc Diệp Tiêu gắn liền với khúc Tịch Dương Tiêu Cổ. Chỉ khi ánh tịch dương chiếu qua cây tiêu mới phát hiện ra được trong cây tiêu có cất giấu Tịch Dương Châu, đây là loại ngọc quý chỉ có thể phát sáng hoặc nhìn thấy khi ánh tịch dương chiếu vào. Hèn gì cách thổi của Ngọc Diệp Tiêu khác với bình thường, ra là trong tiêu được giấu bảo châu. Những chữ khắc trên Tịch Dương Châu có lẽ chính là tâm pháp Cửu Dương Chân Quyết.

Quả đúng như lời Lệnh Hồ Xung nói, Tịch Dương Châu phát quang mới để lộ ra tâm pháp của Cửu Dương Chân Quyết. Thấy tâm pháp được tìm thấy, bí mật cũng được pháp giải, Liên nhi mừng rỡ :

– Thực sự là tâm pháp? Vậy là Lệnh Hồ đại ca được rồi. Đa tạ lão tiền bối cứu mạng.

Phong lão vuốt râu rồi cười đáp :

– Tiểu cô nương, không phải lão phu cứu hắn. Là tự hắn cứu hắn thôi. – rồi lão nói nhỏ với Đông Phương Bạch. – Ngươi nói không sai, hắn thực sự thích hợp để học Độc Cô Cửu Kiếm. Hắn cũng có chữ “vọng” giống ngươi, nhưng đó là hi vọng, là hi vọng của thiên hạ.

Nghe được câu nói này của Phong lão, lại thêm thấy được tâm pháp Cửu Dương Thần Công, nàng yên tâm thầm nghĩ :

– “Vậy là ta đã hoàn thành lời hứa với Lệnh Hồ bá bá. Cũng đã đến lúc phải biệt ly rồi.”

Bình luận về bài viết này